Nhận ba lô quà, bên trong có nhu yếu phẩm, sách vở, bà Lan vui lắm. Với dân hồ Kẻ Gỗ như gia đình bà, mùa chạy lũ năm nay chưa kết thúc.
Gần cả cuộc đời mưu sinh trên hồ Kẻ Gỗ, vợ chồng bà Nguyễn Thị Lan, 65 tuổi, hiểu hồ như lòng bàn tay. Bà bảo, mùa lũ hàng năm từ tháng 8 đến hết tháng 11 âm lịch. Đồng nghĩa nỗi lo lũ lụt vẫn còn hơn một tháng nữa.
Trận lũ chiều tối 18/10 lên nhanh khiến người dày dạn kinh nghiệm sông nước như bà không kịp ứng phó. Đang dọn đồ lên cao thì nước ào về. Chỉ trong nửa tiếng, nhà bà Lan thành rốn lũ. Điểm ngập sâu nhất lên đến hai mét, cao hơn đỉnh lũ năm 2010 tới nửa mét. “Chúng tôi phải bỏ của chạy lấy người”, bà Lan, thôn Mỹ Yên, Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, nói.
Bà Lan chạy cùng chuyến với người hàng xóm và ba đứa trẻ. Chiếc thuyền gỗ chòng chành băng qua dòng nước lũ, ai cũng nơm nớp lo vỡ thuyền. Lên tới ngôi nhà cao trên đồi rồi, sáng hôm sau họ lại phải chạy lần nữa đến điểm an toàn hơn.
Ông Minh, chồng bà Lan, tham gia vào đội chở người dân trong xóm. Cứu xong người, ông Minh lại về cứu trâu bò. Một người chèo thuyền, một người kéo con trâu bơi trong dòng nước đến nơi an toàn. “Ông nhà tôi dầm nước nhiều quá bị kiệt sức, phải truyền nước”, bà Lan nói. Sau ba ngày nước rút, họ trở về thì toàn bộ đồ đạc hoặc là đã bị cuốn trôi, hoặc bị ngâm nước hư hỏng.
Từ chiều tối 4/11, mưa lớn do hoàn lưu bão số 10 tiếp tục tác động đến các vùng đã chịu tổn thương. Bà Lan lo nhất là mưa to, hồ lại xả. Năm nào cũng phải chạy lũ, chiếc ba lô, một trong nhiều phần quà được nhận, sẽ rất tiện cho bà vơ nhanh những món đồ cần thiết để chạy.
Trong đợt cứu trợ lần hai, từ ngày 2 đến 4/11, Quỹ Hy vọng mang quà của độc giả VnExpress đến hơn 2.000 hộ dân vùng đặc biệt khó khăn và thiệt hại nặng bởi lũ lụt của tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh.
Trong ngôi nhà cấp bốn tại thôn Hòa Bình, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, bà Từ Thị Thiêu và vợ chồng con trai thẫn thờ trước những chiếc tủ lạnh, điều hòa nằm la liệt dưới sàn. Anh con trai mở một cửa hàng điện lạnh. Đợt ngập sâu vừa qua làm sập sàn kê đồ cao hai mét, bốn cái điều hòa bị rơi xuống nước và nhiều món đồ khác bị ướt. Tổng thiệt hại khoảng 100 triệu đồng, lại thêm số nợ vay mượn mở cửa hàng hai năm trước chưa trả được. “Một trận lũ quay về con số âm”, con trai bà Thiêu thở dài.
Bà Thiêu cũng bị thiệt hại bốn con lợn nái, hơn một trăm con gia cầm và 20 bao lúa. Giá lúa đang từ 250 ngàn đồng một bao, giờ bà bán tháo được 70 ngàn đồng. “Ngày khuây khỏa thì thôi chứ đêm nào cũng nằm khóc”, bà nói.
Quà cứu trợ của Quỹ Hy vọng đem đến cho người dân những ngày này gồm nhu yếu phẩm, thiết bị giáo dục, nước sạch và tiền mặt. Bà Thiêu bảo, nước sạch rất cần để ăn uống ở thời điểm này, vì nguồn nước chưa đảm bảo. “Ba lô đồ dùng học tập rất kịp thời. Trường đi học lại rồi mà con tôi chưa có cặp”, con dâu bà Thiêu cho biết thêm.
Trước đó, Quỹ Hy vọng đã tặng 700 suất quà cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi Quảng Trị.
Tính đến hết ngày 2/11, Quỹ đã nhận được số tiền 4.601.114.773 đồng từ 3.544 lượt đóng góp của bạn đọc VnExpress, bên cạnh đó còn có sự đồng hành của các doanh nghiệp.
Với sứ mệnh cải thiện giáo dục và hạ tầng vùng khó khăn, hỗ trợ nhân ái tập trung vào nhóm yếu thế và tạo động lực phát triển, Quỹ Hy vọng tin rằng cần nhiều hơn sự kết nối để tạo nên đổi thay.
Mọi đóng góp của bạn và thông tin về hoạt động cứu trợ, tái thiết sau thiên tai sẽ được cập nhật trên website của Quỹ.
Phan Dương
Nhận kết quả bị ung thư xương giai đoạn hai ở tuổi 18, Thùy Dung ngồi bất động vài tiếng ở bệnh viện với suy nghĩ sẽ sống tiếp cuộc đời này thế nào. Tháng 11/2024, cô gái quê Nghệ An đang làm thủ tục…
Quảng Nam – Quỹ Hy Vọng hỗ trợ sơn sửa lớp học, nhà vệ sinh và trao thư viện điện tử cho 5 trường ở vùng Gò Nổi, thị xã Điện Bàn, ngày 28/6. Trong đó, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, Trường Mẫu giáo…
Hà Tĩnh – Cột kèo mối mọt, mái thủng, vách nứt khiến hai gia đình nghèo sống trong bất an suốt hàng chục năm, chỉ mong có nơi ở vững chãi để bám trụ và lo cho con cái. Giữa tháng 6, nắng chói chang,…
TP Huế – Sau gần 10 năm phải truyền máu do bệnh tan máu bẩm sinh, Nguyễn Chánh Gia Bảo, 11 tuổi, hồi phục sau khi ghép tủy từ chị gái hiến tặng. Ngày 23/6, trên chiếc giường nhỏ, bé Bảo lim dim ngủ. Bên…
Tại nhiều điểm trường vùng cao, những công trình vệ sinh tạm bợ, xuống cấp và mất an toàn không còn là chuyện hiếm. Các em học sinh – những đứa trẻ đang trong độ tuổi phát triển thể chất và hình thành nhân cách…
TP Huế – Hơn 20 năm cầm kéo làm thợ cắt tóc nhưng mong ước lớn nhất của chị Phan Thị Điệp là được tự tay cắt tóc cho các con đến hết đời. Mong ước đó của người phụ nữ 45 tuổi ở thôn…