Đầu giờ chiều 29/10, một vị khách nước ngoài tìm đến văn phòng VnExpress tại TP HCM.
Sau lớp khẩu trang, bà cẩn thận giải thích: “Tôi tên là Michelle, đến từ Melbourne, Australia. Tôi đang làm việc tại Việt Nam. Tôi đọc báo và thấy ở đây các bạn quyên góp cho nạn nhân bão lụt ở miền Trung. Vậy tôi có thể góp gì? Tôi muốn kêu gọi từ bạn bè một ít hàng hóa”.
Những ngày này ở miền Trung, hàng trăm người thuộc các lực lượng cứu hộ đang dốc sức tìm kiếm những người dân mất tích vì sạt lở sau bão lũ tại Trà Leng, Trà Vân (Nam Trà My) và Phước Lộc, Phước Thành (huyện Phước Sơn), tỉnh Quảng Nam.
Tại Trà Leng, cụm dân cư “nóc Ông Đề” với 14 chái nhà quây quần giờ chỉ còn là bãi bùn xám mênh mông dưới chân núi. Bằng chứng hiếm hoi cho thấy nơi đây từng “có nhà” là một cuốn sách “Hóa học 9” với nét bút bi viết tên “Đinh Thị Thanh Thảo”.
Hôm 30/10, hai ngày sau vụ sạt lở, Hồ Văn Hải, cùng sáu bạn khác được các thầy cô Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My chở về “tìm nhà”. Thầy cô không cho lũ học trò biết sớm vì sợ chúng không chịu được, cũng không cho các em về nhà ngay bởi quãng đường 35 km mưa lũ, sạt lở đầy hiểm nguy.
Nhưng “nhà” của Hải bây giờ chỉ còn là nấm mộ bố em, nằm chơ vơ cạnh nơi sạt lở. Mô đất hơi nhô lên được quây tạm bằng ba tấm ván, bên trên có một gói bánh, một gói kẹo cùng mấy nén hương. Gần đó, vài nấm mộ khác, được cúng bằng mấy gói mỳ tôm và bánh, kẹo.
Hải mất 8 người trong gia đình, gồm bố mẹ, hai em ruột, anh rể, chú, bác. Hải nhớ tuần trước về thăm nhà, bố mẹ còn dặn với theo: “nhớ tập trung học hành, đừng đi chơi”, khi em leo lên xe máy của bạn trở lại trường. “Hoá ra hôm đó là lần cuối có nhà”, cậu nói.
Cùng đứng với Hải ngóng tin cứu hộ, Hồ Thị Hòa, người phụ nữ 20 tuổi mất 7 người thân. Chị bảo, có miếng trầu với một phần tư quả cau, liệm cho bố ăn dưới đó để đỡ lạnh người. Dân Mơ Nông vùng này có tục lệ ăn trầu, già trẻ gái trai ai cũng bỏm bẻm quanh năm. Họ trồng cau và quế làm sinh kế, trong rừng toàn cau là cau. Nhà của chị Hòa khi chưa bị đống bùn cuốn đi, có cây cau đằng trước. Chị đi làm ở Tam Kỳ, tuần về một lần. Con trai lúc nào nghe tiếng xe máy của mẹ là chạy ra gốc cau đón. Nay, bé và cả ngôi nhà, bố mẹ chị bị vùi lấp với gốc cau.
Còn ở Trà Vân, Phước Lộc, Phước Thành, sau các trận sạt lở đất do mưa lũ vừa qua, hạ tầng trường học bị phá huỷ, nhiều điểm dân cư gần như bị cô lập với bên ngoài.
Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Quảng Nam Hà Thanh Quốc cho biết chưa thống kê được chính xác số học sinh bị mất tích, nhưng ít nhất ba học sinh tiểu học ở Phước Lộc (Phước Sơn) và bốn em ở Trà Vân, Trà Leng (Nam Trà My) đã mất đi sự sống.
Các thầy cô đang cố gắng trước mắt giữ các em không bỏ học sau cú sốc này. “Mọi thứ ngổn ngang trăm bề”, thầy Quốc nói.
Với sứ mệnh cải thiện giáo dục và hạ tầng vùng khó khăn, hỗ trợ nhân ái tập trung vào nhóm yếu thế và tạo động lực phát triển, Quỹ Hy vọng tin rằng cần nhiều hơn sự kết nối để tạo nên đổi thay.
Chúng tôi đã trả lời bà Michelle rằng, tại Trà Vân, hai năm trước, Quỹ Hy vọng đã xây điểm trường Khe Chữ nhờ sự chung tay của độc giả VnExpress. Để dịu bớt cú sốc của các em – những đứa trẻ có thể mang theo khắc khoải cả đời vì câu hỏi tại sao mất bạn, mất người thân, làng xóm – chúng tôi một lần nữa lên kế hoạch trở lại Quảng Nam, cứu trợ các gia đình khôi phục sinh kế, tái thiết hạ tầng giáo dục sau đợt thiên tai này.
Mọi đóng góp của bạn và thông tin về hoạt động cứu trợ, tái thiết sau thiên tai sẽ được cập nhật trên website của Quỹ.
Quỹ Hy vọngỦng hộ chương trình
Tính đến ngày 16/12/2024, sau 3 tháng phát động với sự hỗ trợ từ hàng chục ngàn mạnh thường quân, chiến dịch “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” đã chính thức cán mốc số tiền quyên góp ấn tượng 234 triệu đồng…
Sau 7 ngày liên tục truyền hóa chất, nói không thành tiếng, nôn liên tục nhưng Nguyễn Mạnh Dũng vẫn cố ăn để có sức chống chọi với ung thư. Cậu bé 15 tuổi ở huyện Phúc Yên cho biết từ đầu năm nay bệnh…
Sợ con trai không thể tỉnh lại sau hôn mê, chị Cẩm ngày nào cũng nắm tay trò chuyện, cố kéo con trai vượt cõi chết trở về. “Minh tỉnh dậy tập thở, khỏe rồi hai mẹ con mua bánh sinh nhật nha”, chị Nguyễn…
Mỗi runner đăng ký giải chạy “Tết Hy Vọng 2025” sẽ góp một viên gạch xây nhà tắm giúp mùa đông của học sinh vùng cao ấm áp hơn. Giải chạy do Quỹ Hy vọng và vRace phối hợp tổ chức, bắt đầu từ ngày…
Bốn tháng sau cuộc phẫu thuật hiến tặng gan, Huỳnh Thị Thu Tuyền trở lại công việc bán hàng, trong khi con gái chuẩn bị đi học mẫu giáo. “Đây là cuộc sống tôi mơ ước suốt ba năm qua”, Tuyền, 22 tuổi, ở xã…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…