LAI CHÂU- Những bữa trưa chủ yếu là mỳ tôm, trứng, thỉnh thoảng có thịt hay tóp mỡ của thầy Phong trong 5 năm qua đã níu chân nhiều học trò ở lại với lớp học ở Tung Qua Lìn.
Bữa cơm ngày đầu tháng 11 của thầy Đồng Văn Phong, 39 tuổi, và học trò lớp 5A2, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ, có cơm, cá suối rán, giá đỗ xào và canh rau muống. Đây là cá do một người bạn của thầy Phong gửi cho từ xã Mường So, còn thực đơn thường là rau, trứng và mỳ tôm. Ăn xong, học trò sẽ giúp thầy rửa bát.
Thầy Phong nấu cơm trưa cho học trò từ năm 2019. Trước đó, hầu hết học sinh tại xã Tung Qua Lìn đủ điều kiện ăn, ở bán trú do nhà cách trường từ 4 km trở lên, theo Nghị định 116 năm 2016 của Chính phủ. Từ khi có đường bêtông nối từ chân núi tới trường Tung Qua Lìn ở đỉnh núi, khoảng cách từ nhà đến trường của học sinh được rút ngắn. Không em nào ở xa trường quá 4 km nên cũng không được hỗ trợ bán trú nữa.
Không đành lòng nhìn học sinh ăn cơm trắng, trong khi nếu đi bộ về buổi trưa, nhiều em không trở lại trường, thầy Phong quyết định nấu cơm cho học trò.
“Thôi có gì nấu đó, thầy trò cùng ăn”, thầy giáo nói.
Thầy Phong sinh ra và lớn lên tại xã Mường So, huyện Phong Thổ. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, thầy giáo sinh năm 1984 đăng ký sư phạm vì chính sách miễn học phí.
Năm 2006 khi khăn gói từ Lai Châu xuống Hà Nội học trung cấp, cậu thanh niên Mường So mang theo đầy một balô khoai, đồ khô. Xen lẫn nỗi lo là sự hào hứng, vì ít nhất Phong biết mình quý trẻ con.
Tốt nghiệp năm 2008, thầy giáo trở lại Lai Châu, được phân công về trường Tung Qua Lìn ngay năm đó. Dù cùng trong huyện Phong Thổ, khoảng cách từ Mường So tới Tung Qua Lìn gần 30 km, đều là đường đất. Vì vậy, thầy Phong phải ở tại trường, mỗi tháng về thăm nhà một lần. Mỗi lần như vậy, thầy mang theo măng, khoai để ăn dần.
Thời điểm đó, Tung Qua Lìn chưa có điện. Trong căn phòng dành cho thầy cô ở lại trường, được ghép bằng các tấm ván, thầy Phong và các giáo viên hàng đêm thắp nến soạn giáo án. Những ngày lạnh cắt da, gió lùa qua các khe hở của ván gỗ, thầy cô phải đeo hai găng tay mới đỡ cóng để cầm được bút.
Học trò vùng cao không đi học đều. “Nhiều lần giận lắm”, thầy Phong kể, nhưng không đành để mặc các em, nên thầy giáo lại đến tận nhà tìm học trò. Có lần, thầy bị phụ huynh đuổi, còn học trò trốn vì gia đình muốn các em ở nhà làm nương, trông em. Về sau, mỗi lần đi tìm học sinh, thầy thường chuẩn bị thêm kẹo, bánh, những em có hoàn cảnh quá khó khăn được thầy mua thêm quần áo.
Nhưng giờ, thầy Phong thấy nhận thức của học sinh và phụ huynh vùng cao đã được cải thiện. Chuyện phải thuyết phục học sinh đi học không còn nhiều như cách đây 3-5 năm. Thay vào đó, để giữ chân các em ở lại trường, không bị gián đoạn việc học, thầy chuyển qua nấu ăn trưa cho học trò.
Ngày nào có các tiết Âm nhạc, Mỹ thuật hay tiếng Anh do các giáo viên khác đứng lớp, thầy Phong thường tranh thủ chạy về phòng cắm sẵn nồi cơm, lúc tan học chỉ cần làm thêm thức ăn. Những hôm còn lại, thầy trò sẽ ăn trưa muộn hơn một chút.
Thực đơn chủ yếu là rau và trứng, tươm tất hơn sẽ có thịt hoặc tóp mỡ, cũng có hôm thầy trò cùng ăn mỳ tôm và cháo ăn liền. Mỗi ngày, khoảng 5-10 học sinh ở lại ăn trưa cùng thầy. Đây đều là những em không có cơm do gia đình chuẩn bị, hoặc chỉ mang cơm trắng. Thầy Phong cho biết tiền ăn mỗi bữa cho học trò khoảng 50.000 đồng, hôm nào có thịt sẽ nhiều hơn, nên bình quân khoảng hai triệu đồng mỗi tháng. Số tiền này thầy tự bỏ ra, lấy từ thu nhập hàng tháng.
“Cách đây 3-4 năm, lương khoảng 8 triệu đồng, lại dạy ở bản nên bữa trưa cũng thiếu thốn, thầy trò chủ yếu ăn mỳ tôm và cơm trắng. Giờ thu nhập của tôi được cải thiện, bữa ăn cùng học trò tươm tất hơn”, thầy Phong chia sẻ.
Cô Lù Thị Lan Hương, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tung Qua Lìn, cho hay thầy Phong rất nhiệt tình, quan tâm tới học sinh, năng nổ trong các hoạt động của ngành và địa phương.
“Thầy còn vận động được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ mỳ tôm, cháo, quần áo và đồ dùng học tập cho học sinh”, cô Hương nói. Ngoài thầy Phong, nhiều giáo viên tại trường cũng hỗ trợ nấu cơm trưa cho học sinh.
Trong 15 năm gắn bó với nghề, thầy Phong nhớ nhất mỗi dịp 20/11. Biết đây là ngày tri ân thầy cô, học trò lên rừng hái hoa dã quỳ về để tặng.
“Các em bảo không có tiền mua hoa, nên tặng thầy bó hoa này. Tôi rất xúc động với tình cảm của học trò”, thầy Phong nhớ lại.
Ở vùng biên ải, thầy Phong không mong gì hơn là học sinh và gia đình nhận thức được sự cần thiết của việc đi học, bởi chỉ có đến trường mới giúp các em có cuộc sống tốt hơn.
“Thi thoảng nghe tin có học sinh đỗ vào trường THPT của tỉnh, rồi đỗ đại học, tôi tự hào và yên tâm lắm. Với tôi, đây là món quà có ý nghĩa nhất trong cuộc đời làm nghề giáo”, thầy Phong nói.
Thanh Hằng
Giữa những tháng ngày bình yên nơi vùng biển Hải Khê, biến cố bất ngờ ập xuống gia đình anh Đức Phương khi con trai bị chẩn đoán ung thư. Một tối cuối năm 2022, khi tắm cho bé Thiên Ân, anh Phương giật mình…
Quỹ Hy Vọng phối hợp cùng Công ty Cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm vừa khởi công xây dựng ba cầu bê tông, góp phần cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn. Ngày 14/3, người dân xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân và xã…
Ba năm nay, ước mơ lớn nhất của Bình An, 9 tuổi, là được mặc đồng phục trắng đến trường giống những đứa trẻ hay đi ngang nhà ở xã Tân Hưng, huyện Cái Nước. “Con mong biết đọc và viết”, An nói. Cậu bé…
Vừa chăm hai con bị bệnh down và chậm phát triển, chị Trần Thị Ngọc lại nhận tin con gái lớn mắc ung thư xương giai đoạn ba, phải cắt chân để hóa trị. Năm 2012, chị Ngọc ở xã Lộc Yên, huyện Hương Khê,…
Lê Ngọc Vân, 13 tuổi, suy thận giai đoạn cuối, hồi sinh nhờ ghép quả thận được người đàn ông chết não hiến tặng và sự hỗ trợ chi phí từ chương trình Mặt trời Hy vọng – VnExpress. “Ước mơ của con là luôn…
34 tuổi, chị Lê Thị Trang bước vào “chương tăm tối” của cuộc đời khi con trai bị suy tủy xương và cuộc hôn nhân 10 năm kết thúc bằng đơn ly hôn. Vợ chồng chị Trang kết hôn năm 2015. Anh lao động tự…