NAM ĐỊNH – Kể từ khi phải phẫu thuật cắt bỏ xương đùi trái vì ung thư, ước mơ lớn nhất của Ánh là có chân giả để được đi học như các bạn.
Trần Hồng Ánh (14 tuổi) quê thôn Thiện Mỹ, xã Yên Mỹ, huyện Ý Yên, Nam Định bị ung thư vừa tròn một năm. Trước đó, em kêu đau chân trái, đi lệch hẳn một bên. Bác sĩ viện K Tân Triều kết luận, cô bé bị ung thư xương đùi, phải thực hiện phác đồ hóa trị 18 lần.
Anh Trần Văn Doanh (bố Ánh) không biết nhiều về căn bệnh này, nhưng từ “ung thư” đã khiến người đàn ông 50 tuổi mất hết hy vọng. Khi con gái mới phát hiện bệnh, hai vợ chồng họ không nói với nhau lời nào, ai cũng như người mất hồn.
Ban đầu, người cha giấu tình hình bệnh tật với cô bé. “Tại sao con phải ở đây trong khi các bạn được đi học?”, Ánh hỏi khi thấy nằm viện đã lâu mà không được về nhà. Ông bố giải thích con bị còi xương do thiếu canxi, nằm lại điều trị vài bữa sẽ ổn. Rồi anh động viên, chỉ cần kiên trì uống thuốc và thực hiện theo đúng yêu cầu của bác sĩ sẽ được về nhà sớm.
Cô bé 14 tuổi vẫn tin như vậy. Trong những cuộc điện thoại với bạn bè, Ánh vẫn hồ hởi: “Vài hôm nữa tớ sẽ về”. Nghe con gái nói, người bố quay lưng đi, không muốn để ai nhìn thấy những giọt nước mắt trực trào.
Đối mặt với bệnh tình của con, người đàn ông này không còn lựa chọn nào khác là phải mạnh mẽ. “Sống mạnh mẽ để con gái còn chiến đấu với bệnh tật”, anh nói với vợ. Nghe có vẻ đang hô khẩu hiệu, nhưng đó thực sự là cách ông bố này đang tự động viên mình cũng như những thành viên khác trong gia đình.
Ánh dường như không biết chuyện gì đang xảy ra với mình, nhưng dần cảm nhận thay đổi rõ rệt của cơ thể. Mỗi lần chịu tác dụng phụ của thuốc, cô bé lại nôn thốc nôn tháo, bỏ ăn bỏ ngủ, nằm thở thoi thóp trên giường. Nhưng điều thay đổi nhiều nhất là mái tóc bắt đầu rụng không ngừng.
Đối mặt với những tổn thương cơ thể do thuốc gây ra, Ánh chưa khi nào rơi nước mắt. Nhưng thấy tóc rụng dần vì hóa chất và khi bố giúp cạo sạch những sợi còn lại trên đầu, cô bé lại òa khóc.
“Cháu chưa khi nào nghĩ mình sẽ có cái đầu trọc lốc, trông thật xấu. Nhưng rồi nhìn mãi cũng quen”, Ánh nói.
Ngoài bệnh tật, gia đình Ánh còn phải đối mặt với tình hình tài chính ngày càng khó khăn. Dù được chi trả 95% bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo nhưng từ khi con gái chữa ung thư, anh Doanh phải vay họ hàng, bạn bè 100 triệu đồng. Cả hai vợ chồng thường xuyên túc trực trong bệnh viện, không thể đi làm nên cũng mất thu nhập.
Con bệnh, dù rất muốn bồi bổ thêm nhưng cả tháng thu nhập của gia đình chưa nổi hai triệu đồng, không đủ tiền mua sữa hay thuốc bổ. Biết bố mẹ vất vả, Ánh chưa khi nào đòi hỏi.
Mọi việc càng trở nên khó khăn hơn sau lần hóa trị thứ sáu, chân trái cô bé bị gãy gập khi đang đi lại trong nhà.
Khi đưa con đến viện, anh Doanh chỉ nghĩ, gãy thì bó bột, con gái rồi sẽ đi lại bình thường. Nhưng kết luận của bác sĩ sau đó đã phá vỡ nhận định của người bố. Ánh phải cắt một phần chân để bảo toàn tính mạng vì khối u quá lớn.
Theo chỉ định, bệnh nhân phải cắt chân từ háng tới dưới đầu gối. Đoạn còn lại nối lên phía trên nhưng phần gót quay ngược lại để sau này lấy điểm tựa làm chân giả. Bởi vậy sau phẫu thuật, Ánh có một bàn chân hướng lên trước, bàn còn lại hướng về phía sau.
Suốt thời gian con gái nằm trong phòng mổ, anh Doanh cố gắng nhìn qua khe cửa bé xíu, mong có chút tin tức về con. Khi vợ hỏi sao không ngồi yên và chờ đợi, ông bố trả lời: “Sợ con bé không ra được khỏi đó”.
Dù nói vậy người đàn ông này vẫn tin, con gái sẽ chỉ bị tháo một phần chân, còn mọi việc sẽ ổn. Anh nhớ như in khuôn mặt đang đầm đìa nước mắt vì biết sẽ phải cắt chân bỗng trở nên tươi tỉnh của Ánh khi được bố hứa sẽ mua một chiếc chân giả đẹp như chân thật.
“Rồi con sẽ được đi học lại bằng chiếc chân đó chứ?”, Ánh hỏi bố và nhận được cái gật đầu.
Dù vậy, sau phẫu thuật, sức khỏe cô bé ngày càng yếu. Phải nằm một chỗ, nhiều lúc Ánh chỉ biết nắm tay mẹ thở dốc, ước không phải chịu nhiều đau đớn như thế. Sau thời gian này, hai vợ chồng lại thay nhau túc trực chăm sóc, cũng như giúp con gái phục hồi chức năng và tập đi bằng nạng.
Sau 18 lần hóa trị, hiện Ánh đã được về nhà, ba tháng lên Hà Nội thăm khám một lần. Dù đã tập nạng thời gian dài, nhưng vì thể trạng yếu ớt, chưa nổi 20 kg nên cô bé vẫn cần sự người giúp sức từ bố mẹ.
Từng hứa với con sẽ mua một chiếc chân giả thật đẹp nhưng anh Doanh chưa biết khi nào mới thực hiện được. Cú ngã từ độ cao 3 m hai năm trước khiến người đàn ông này vỡ gót chân, đi lại khập khiễng nên đành bỏ nghề mộc, chỉ quanh quẩn làm nông. Con điều trị trên Hà Nội cả năm, 6 sào ruộng phải nhượng lại cho người khác cấy, gạo trong nhà giờ cũng sắp hết. Tiền thức ăn và sinh hoạt chỉ dựa vào người vợ chuyên may thuê quần áo bảo hộ, năm nay ít việc nên ngày làm ngày nghỉ.
Ông Trần Quốc Huy, trưởng thôn Thiện Mỹ biết tới tâm tư của gia đình là nếu Ánh khỏe mạnh hơn, sẽ cho học lại lớp 6 khi năm học mới đến.
“Lúc đó Ánh cần một chiếc chân giả để chủ động sinh hoạt, nhưng chiếc ít tiền nhất cũng lên tới 50 triệu đồng, một số tiền quá lớn với gia đình nghèo này”, ông nói. Trước hội phụ nữ thôn từng kêu gọi ủng hộ khi Ánh phẫu thuật, nhưng số tiền nhỏ, chỉ giúp phần nào khó khăn cho gia đình.
Mấy hôm trước, khi tỉnh dậy, Ánh kể cho bố mẹ nghe về giấc mơ đêm qua của mình. Trong giấc mơ, cô bé được chạy nhảy và nô đùa cùng các bạn như thời chưa mắc bệnh.
“Tôi cũng mong con đủ sức khỏe và điều kiện để có thể cắp sách đến trường như bạn bè cùng trang lứa”, anh Doanh nói.
Hải Hiền
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh