Chạy liên tục 13,5 tiếng, đoàn tiền trạm 20 thành viên của nhóm Hội phản ứng nhanh PUN75 của Huế đã tới TP Hải Phòng lúc 8h30 hôm nay.
“Trước mắt chúng tôi cây xanh đổ ngã, mái tôn, bảng quảng cáo, kính vỡ, sắt thép đầy đường”, Nguyễn Đình Anh Khoa, trưởng đoàn PUN75 nói.
Ngay khi đến nơi, đoàn họp nhanh với Thành Đoàn Hải Phòng để triển khai các công việc tại hiện trường. Từ hơn 10h ngày 9/9, các thành viên của PNU75 đã bắt tay ngay vào xử lý các hậu quả sau bão tại sân vận động Đồ Sơn. Nơi đây đang vô cùng nhếch nhác, cây cối ngã tứ tung.
Dự kiến 15h30, 50 tình nguyện viên khác của nhóm sẽ lên tàu từ Huế ra Hải Phòng.
Anh Khoa cho biết rút kinh nghiệm từ những đợt bão, lũ gây thiệt hại lớn ở Huế, khi đoàn hỗ trợ hai miền Bắc – Nam ra tới nơi thì lực lượng địa phương đã dọn dẹp gần xong nên nhóm muốn đến hỗ trợ sớm nhất có thể. Tuy ý tưởng có từ sớm họ vẫn mất một ngày để liên hệ ra vùng tâm bão, đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện và các trang thiết bị cần thiết.
7h ngày 9/9, hơn 35 thành viên nhóm Jungle Boss ở Quảng Bình lên đường thẳng tiến Hải Phòng để chung tay khắc phục hậu quả sau bão Yagi. “Chúng tôi hiểu được những khó khăn khi cơn bão đi qua nên mong muốn đóng góp sức nhỏ của mình cho bà con vùng tâm bão Yagi”, anh Lưu Lê Dũng, trưởng nhóm Jungle Boss nói.
Nhóm tập hợp người địa phương ở Phong Nha, Quảng Bình, làm trong công ty được đào tạo bài bản kỹ năng cứu hộ cứu nạn qua quá trình thám hiểm hang động. Họ mang theo trang thiết bị an toàn và leo trèo chuyên dụng trong trường hợp cần dùng đến.
Anh Dũng cho biết nhiệm vụ của nhóm các ngày tới chủ yếu là dọn dẹp cây cối, sửa chữa lại các trường học hoặc bệnh viện bị bão làm hư hỏng. “Hỗ trợ bà con miền Bắc cũng là tinh thần tương trợ và cũng là nghĩa tình lúc hoạn nạn có nhau”, anh nói.
Ngoài các hội nhóm, nhiều người dân miền Trung cũng mong muốn được sẻ chia khó khăn với đồng bào miền Bắc. Ở xã miền núi Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, những ngày qua chị Phan Khánh Thìn, 36 tuổi, một lòng hướng về miền Bắc. Chị nói quê mình hàng năm chịu nhiều thiên tai bão lũ, mỗi lần có thiên tai đều nhận được nhiều sự giúp đỡ của mọi người từ mọi miền Tổ quốc. Nay bà con miền Bắc gặp nạn, người dân miền Trung vô cùng lo lắng. “Không biết ngoài đó bà con ít kinh nghiệm chống bão, có tích trữ được đồ ăn, bảo vệ được nhà cửa hay không”, chị nói.
Chị Thìn kể đến giờ vẫn không thể quên mùa bão lũ 2016 khi mới sinh con thứ ba, bão vào làm tốc mái. May nhờ hỗ trợ, gia đình mới có tiền để lợp lại mái và lương thực chống đói, quần áo, chăn màn, sách vở cho gia đình bắt đầu lại cuộc sống.
“Ân tình đó tôi ghi nhớ suốt cuộc đời”, chị nói. “Kể từ đó vợ chồng tôi bảo nhau cố phấn đấu cho kinh tế khá lên, mai này có điều kiện giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn khác”.
Sau mùa bão lũ 2016, gia đình chị Thìn có thêm động lực thoát nghèo bằng nghề kinh doanh vật liệu xây dựng. Hàng năm, chị Thìn luôn chia sẻ lại hình ảnh gia đình nhận được sự hỗ trợ của đoàn thiện nguyện như một sự nhắc nhớ bản thân.
Sau khi đọc thông tin bão Yagi gây thiệt hại lớn, chị bàn với chồng là anh Trương Huy Sơn sẽ làm gì đó để giúp đỡ lại bà con miền Bắc. Hiện chị đã liên hệ với các đầu mối tiếp nhận hỗ trợ ở miền Bắc, sẵn sàng đóng góp tiền và vật lực nếu người dân cần.
Chị Lê Linh, trưởng nhóm tiếp nhận tình nguyện viên ở TP Hải Phòng, cho biết sau bão Yagi, huyện Tiên Lãng, quận Đồ Sơn, Cát Bà và Cát Hải là những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất tỉnh. Sáng nay 9/9, quận Đồ Sơn vẫn mất điện, mất nước, không mạng wifi.
Hai ngày tới, Đồ Sơn sẽ diễn ra lễ hội chọi trâu truyền thống (10/8 âm lịch). Tình hình về thực phẩm, kinh tế của người dân ổn định nhưng rất cần nguồn lực con người để khắc phục hậu quả sau bão.
May mắn đã có hàng trăm tình nguyện viên đổ về ngay trong đêm. “Tôi rất xúc động trước tinh thần tương trợ này”, chị Linh nói.
Ngọc Ngân – Phan Dương
Bệnh nhân 47 tuổi chết não, 4 tạng của ông được chuyển từ Bình Dương đến các bệnh viện ở TP HCM và Hà Nội để ghép cho người khác. Rạng sáng 20/12, xe chuyên dụng của lực lượng CSGT Công an tỉnh Bình Dương…
Tính đến ngày 16/12/2024, sau 3 tháng phát động với sự hỗ trợ từ hàng chục ngàn mạnh thường quân, chiến dịch “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” đã chính thức cán mốc số tiền quyên góp ấn tượng 234 triệu đồng…
Sau 7 ngày liên tục truyền hóa chất, nói không thành tiếng, nôn liên tục nhưng Nguyễn Mạnh Dũng vẫn cố ăn để có sức chống chọi với ung thư. Cậu bé 15 tuổi ở huyện Phúc Yên cho biết từ đầu năm nay bệnh…
Sợ con trai không thể tỉnh lại sau hôn mê, chị Cẩm ngày nào cũng nắm tay trò chuyện, cố kéo con trai vượt cõi chết trở về. “Minh tỉnh dậy tập thở, khỏe rồi hai mẹ con mua bánh sinh nhật nha”, chị Nguyễn…
Mỗi runner đăng ký giải chạy “Tết Hy Vọng 2025” sẽ góp một viên gạch xây nhà tắm giúp mùa đông của học sinh vùng cao ấm áp hơn. Giải chạy do Quỹ Hy vọng và vRace phối hợp tổ chức, bắt đầu từ ngày…
Bốn tháng sau cuộc phẫu thuật hiến tặng gan, Huỳnh Thị Thu Tuyền trở lại công việc bán hàng, trong khi con gái chuẩn bị đi học mẫu giáo. “Đây là cuộc sống tôi mơ ước suốt ba năm qua”, Tuyền, 22 tuổi, ở xã…